Nhằm giúp người dân hiểu rõ về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV), cơ chế lây lan, triệu chứng, biến chứng, cách phòng tránh, số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV..., Bộ Y tế đã chính thức ban hành Bộ cẩm nang hỏi - đáp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV).
Theo đó, Bộ cẩm nang gồm 10 câu hỏi-đáp như sau:
Câu hỏi 1: Virus corona nCoV là gì?
Trả lời: Virus corona (nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này là chủng virus mới chưa được xác định trước đó.
Câu hỏi 2: Nguồn gốc của virus corona nCoV từ đâu?
Trả lời: Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của nCoV. Nhiều ý kiến cho rằng, virus corona là một betacoronavirus, thuộc họ với virus gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus.
Câu hỏi 3: Cơ chế virus corona nCoV lây lan như thế nào?
Trả lời: Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Câu hỏi 4: Những triệu chứng và biến chứng mà virus corona nCoV có thể gây ra?
Trả lời: Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
Câu hỏi 5: Đã có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona nCoV gây ra chưa?
Trả lời: Tại thời điểm này, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona nCoV gây ra. Những người bệnh hiện nay được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu, thực hiện trong điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân.
Câu hỏi 6: Nhóm độ tuổi nào dễ bị mắc chủng mới của virus corona?
Trả lời: Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của virus corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.
Câu hỏi 7: Làm thế nào giúp tôi có thể bảo vệ bản thân?
Trả lời: Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 02 mét khi tiếp xúc.
- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…
- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
2. Những người từ Trung Quốc trở về
- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
3. Những người đi đến Trung Quốc
- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona nCoV.
- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Câu hỏi 8: Những khuyến cáo nào khi tôi có lịch trình đi lại, du lịch?
1. Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở
- Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho.
- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.
3. Sử dụng khẩu trang đúng cách
- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.
- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.
- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 01 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm
- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.
Câu hỏi 9: Tôi có thể liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào?
Trả lời: Bộ Y tế công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 19003228 và 1900 9095.
Cùng với đó, 21 đường dây nóng của các Bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV:
Bệnh viện Bạch Mai: 0969.851.616
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: 0969.241.616
Bệnh viện E: 0912.168.887
Bệnh viện Nhi trung ương: 0372.884.712
Bệnh viện Phổi trung ương: 0967.941.616
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí: 0966.681.313
Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên: 0913.394.495
Bệnh viện Trung ương Huế: 0965.301.212
Bệnh viện Chợ Rẫy: 0969.871.010
Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ: 0907.736.736
Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội: 0904.138.502
Bệnh viện Vinmec Hà Nội: 0934.472.768
Bệnh viện Đà Nẵng: 0903.583.881
Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM: 0967.341.010
Bệnh viện Nhi đồng 1: 0913.117.965
Bệnh viện Nhi đồng 2: 0798.429.841
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai: 0819.634.807
Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa: 0913.464.257
Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa: 0965.371.515
Bệnh viện tỉnh Thái Bình: 0989.506.515
Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn: 0396.802.226
Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.
Câu hỏi 10: Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm nCoV?
Trả lời: Các kiểm tra chẩn đoán chính xác nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng nCoV đó gồm kỹ thuật Giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) và kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định./.
Nguồn tin: Theo PV (TTXVN/Vietnam+)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn